"Ở đâu có dân, ở đó có y tế"
Tại cuộc làm việc, sau khi lắng nghe báo cáo và các ý kiến đề xuất của Viện cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao Viện Chiến lược và Chính sách y tế thời gian qua đã nỗ lực để phát huy hiệu quả trong công tác tham mưu, đánh giá, phản biện, nghiên cứu và đề xuất các chính sách liên quan công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Theo Bộ trưởng, các chính sách mà Viện nghiên cứu, đề xuất không đơn thuần là chính sách y tế mà còn là chính sách chăm sóc sức khoẻ gắn liên với người dân bởi suy cho cùng mọi nỗ lực cố gắng đều để phục vụ nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định công tác quy hoạch mạng lưới y tế Việt Nam từ nay đến 2045 là việc làm trọng đại, có ý nghĩa lịch sử để hình thành nền y tế hiện đại phục vụ người dân ngang tầm các nước thế giới và có đảm bảo tính cạnh tranh. Điều này cũng nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII với mục tiêu “Phát triển nền y học khoa học và đại chúng”,“công bằng và hiệu quả”, đảm bảo nền y tế phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở tất cả các vùng miền.
"Nguyên tắc đầu tiên của quy hoạch ngành Y tế là phải phù hợp quy mô dân số theo tinh thần “ở đâu có dân thì ở đó có y tế”. Thêm vào đó, phải phù hợp mô hình bệnh tật của nước ta từ nay đến năm 2045, tính tới các bệnh cả lây nhiễm và không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD),… Quy hoạch tổng thể các lĩnh vực cũng cần phù hợp với nhân lực y tế"- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đồng thời khẳng định quan điểm chất lượng phải đồng đều giữa các địa phương; các tỉnh/thành phố phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng ta thường nói “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhưng với ngành y tế phải cộng thêm “không để ai mất công bằng trong chăm sóc sức khoẻ”. "Tuy nhiên việc này đòi hỏi có thời gian nhưng cần phải quyết tâm” – GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo tư lệnh ngành y tế, việc xây dựng quy hoạch tổng thể ngành y tế cũng phải đưa vào mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh với các nước.
Cụ thể về lĩnh vực khám chữa bệnh, theo Bộ trưởng, trước hết, các địa phương căn cứ theo quy mô dân số, phân bổ dân số và mô hình bệnh tật chung của thế giới và Việt Nam để có các mô hình bệnh viện phù hợp với địa phương đó trên nguyên tắc chất lượng dịch vụ y tế phải được nâng lên ở các cơ sở đó.
Thứ 2, phải hình thành nên các khu phức hợp y tế có tính cạnh tranh cao đối với thế giới, thu hút nguồn lực xã hội, hạn chế tối đa tình trạng “chảy máu ngoại tệ”. Trước mắt hình thành tại 3 thành phố lớn thuộc khu vực Bắc – Trung - Nam. Đây là nơi tập hợp các bệnh viện có dịch vụ chất lượng cao, chăm sóc toàn diện, có tính cạnh tranh lớn, vừa phục vụ bảo vệ sức khoẻ nhân dân đồng thời có các dịch vụ chất lượng cao, để thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh.
Thứ 3, trong quy hoạch phải đảm bảo tính công bằng hiệu quả nên phải hình thành các khu y tế hoặc các bệnh viện tuyến cuối ở tất cả các vùng kinh tế - xã hội, có chất lượng dịch vụ tương đương với các bệnh viện tuyến cuối ở Trung ương.
Về khối y tế dự phòng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ đến nay nước ta đã hình thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tại các địa phương, tới đây sẽ tiếp tục tăng cường củng cố, đồng thời nhấn mạnh tinh thần tới đây, Trung tâm CDC một số tỉnh thành phố phải có sức cạnh tranh và khả năng liên kết quốc tế mạnh.
Đối với CDC Trung ương, trước mắt quy hoạch phải hình thành 2 khu vực đặt trong ở 2 khu phức hợp y tế ở phía Bắc và Nam nhằm tạo sức mạnh tổng hợp giữa dự phòng – điều trị.
Về quản lý an toàn thực phẩm, tới đây, căn cứ vào tính hiệu quả, quy hoạch ngành sẽ tính đến việc hình thành FDA cấp trung ương.
Về đào tạo nhân lực y tế, ngành Y tế xác định phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hướng tới ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới, do đó, quy hoạch phải tính toán nhân lực đào tạo với mục tiêu đảm bảo nâng cao chất lượng.
Tập trung nỗ lực phát triển để tới đây Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh phải có tên trong bảng xếp hạng quốc tế
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng làm việc với Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Tại cuộc làm việc, sau khi nghe lãnh đạo nhà trường báo cáo về hoạt động và kế hoạch phát triển Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao nỗ lực và kết quả hoạt động của nhà trường, đồng thời bày tỏ "cá nhân tôi đặt nhiều niềm tin vào sự phát triển của nhà trường bởi cùng với Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là 1 trong 2 cơ sở y tế có lịch sử lâu đời về uy tín và khả năng đào tạo nhân lực cho ngành trong nhiều năm qua".
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, tập thể nhà trường đã rất sáng tạo, năng động khi triển khai mô hình Viện - Trường từ rất sớm, đến nay đã 26 năm qua. Việc triển khai mô hình này không chỉ phục vụ nhu cầu thực hành của học viên, sinh viên mà còn đáp ứng nhu cầu thiết thực về khám chữa bệnh của nhân dân.
Đánh giá cao định hướng phát triển của nhà trường, nhưng người đứng đầu ngành y tế cũng nhấn mạnh: Muốn đưa vị thế ngành y tế nâng lên phải đổi mới về nhân lực, phải có nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu hội nhập, do đó nhà trường cần tập trung nỗ lực phát triển để làm sao tới đây Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh phải có tên trong bảng xếp hạng quốc tế. "Chúng ta phải có tư tưởng bứt phá trong đào tạo"- Bộ trưởng bày tỏ.
Tiếp đó, nhà trường cần tiếp tục phát triển các chuyên ngành mang tính chuyên sâu, đảm bảo bác sĩ ra trường có trình độ ngang bằng các nước. Có thể hình thành mô hình trường Đại học trong Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
"Phải phát triển trung tâm nghiên cứu, trung tâm sáng tạo của nhà trường giúp cho sinh viên, học viên tăng cường nghiên cứu khoa học, gắn kết với bệnh viện và gắn kết với hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Mở rộng nghiên cứu ứng dụng. Chúng tôi sẽ tạo cơ chế mở cho nhà trường phát triển"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Đồng ý với đề xuất của nhà trường về xây dựng bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh hiện đại, trở thành bệnh viện hạng đặc biệt với bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, phối hợp điều trị đa mô thức, điều trị chăm sóc người bệnh toàn diện nhưng Bộ trưởng yêu cầu phải theo hướng chuỗi bệnh viện. Có nghĩa là bệnh viên của nhà trường phải kết nối với các cơ sở y tế khác.
Thông tin về việc tới đây ngành y tế sẽ tiến hành xây dựng BVĐK Trung ương Tây Nguyên để chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào và đào tạo nhân lực cho khu vực này, thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khoẻ, thực hiện phát triển cả phần dịch vụ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giao cho trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tiến hành vận hành và quản lý theo mô hình chuẩn.
Đồng thời, Bộ trưởng thông tin ngành y tế sẽ xây dựng khu phức hợp y tế kỹ thuật cao tại TP Hồ Chí Minh theo cơ chế thị trường để thu hút nhân lực giỏi, kể cả nhân lực nước ngoài và thu hút bệnh nhân nước ngoài, do đó nhà trường cũng cần sớm thành lập trung tâm đánh giá năng lực. Trung tâm này thuộc nhà trường nhưng dưới sự quản lý của Bộ Y tế và Bộ Y tế sẽ hỗ trợ nhà trường về đầu tư.
"Trước mắt thành lập 2 trung tâm đánh giá năng lực tại 2 miền Bắc- Nam tại Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để phục vụ cho lộ trình đánh giá năng lực nhân lực y tế bắt đầu từ năm 2023"- Bộ trưởng nêu rõ và đồng ý đề xuất thành lập trung tâm kiểm định của nhà trường vào năm 2024.
Song song đó, nhà trường cần thành lập trung tâm mô phỏng để nâng cao chất lượng đào tạo. "Tới đây, Bộ Y tế sẽ đưa ra quy định rất khắt khe, nếu dần dần tới đây nhà trường nào không có trung tâm mô phỏng sẽ không được đào tạo nhân lực y tế"- Bộ trưởng khẳng định.
Nguồn: Báo Sức khoẻ & Đời sống
Hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ VIII đã diễn ra trong 2 ngày 15-16/11/2024, mang đến một diễn đàn quan trọng cho...