Chiều ngày 13/7/2023, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tập huấn Công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Đến dự Hội nghị tập huấn có sự hiện diện của PGS.TS. Ngô Quốc Đạt – Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường, ThS. Nguyễn Lương Bằng – Nguyên Trưởng Khoa Văn thư Lưu trữ, Phân viện Đại học Nội vụ Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh (Nay là Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh), đồng thời cũng là Báo cáo viên tại Hội nghị, cùng các thầy cô lãnh đạo các Phòng, Khoa, Trung tâm, các đơn vị thuộc, trực thuộc và hơn 70 viên chức, người lao động phụ trách công tác văn thư thuộc các đơn vị của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Ngô Quốc Đạt chia sẻ: “Trong những năm qua, lãnh đạo Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chỉ đạo sâu sát và quyết liệt trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Cụ thể, Nhà trường đã ban hành Quy chế và Danh mục bí mật Nhà nước, nhằm thống nhất việc triển khai các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước đến toàn thể đơn vị và viên chức nghiêm túc thực hiện; phát huy vai trò của người đứng đầu các đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, tránh làm hình thức, chiếu lệ. Chủ động phòng ngừa và kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước”.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy về lĩnh vực Văn thư lưu trữ, ThS. Nguyễn Lương Bằng đã cung cấp cho đại biểu tham dự Hội nghị những thông tin tổng quan về công tác bảo vệ bí mật nhà nước bao gồm Luật, Pháp lệnh và một số văn bản liên quan về việc hướng dẫn thực hiện công tác này, đồng thời, cô cũng chia sẻ những quy định, cách thức, phương pháp quản lý văn bản mật và những lưu ý về việc bảo mật thông tin trong thời đại số.
Theo PGS.TS. Ngô Quốc Đạt, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin 4.0 như hiện nay, việc nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của viên chức, người lao động trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước là vô cùng quan trọng. Mặt khác, nắm vững các quy định và danh mục Bí mật Nhà nước của ngành để tránh lúng túng trong việc xác định độ mật của văn bản khi soạn thảo, là yếu tố vô cùng cần thiết giúp công tác phân loại, bảo quản, lưu trữ tài liệu mật được thực hiện đúng quy định. Đó cũng là mục tiêu, yêu cầu và mong muốn của Ban Giám hiệu Nhà trường đối với viên chức, người lao động được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước của Trường cũng như của đơn vị.
Sau hơn 03 giờ diễn ra Hội nghị, viên chức, người lao động tham dự tập huấn đã tập trung theo dõi, lắng nghe, nắm bắt đầy đủ nội dung trình bày của báo cáo viên về các quy định liên quan; tích cực trao đổi, thảo luận, làm rõ các vấn đề để có thể áp dụng ngay những kiến thức, những hiểu biết đã được trao đổi, truyền đạt vào thực tiễn công việc tại đơn vị, từ đó chủ động tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị cũng như thực hiện tốt các quy định hiện hành.
Căn cứ quy định tại Điều 2 Luật bảo vệ bí mật nhà nước, Bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước. Công tác bảo vệ bí mật nhà nước có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh tổ quốc, gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, đòi hỏi công chức, viên chức phải hiểu và nắm rõ../.
Huỳnh Như
Hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ VIII đã diễn ra trong 2 ngày 15-16/11/2024, mang đến một diễn đàn quan trọng cho...