Hành trình lộng gió của giáo dục y khoa tại Việt Nam
21/01/2021

Khi tôi nhập trường Y 25 năm trước, các giáo sư đã thông báo rằng chúng tôi sẽ theo học chương trình giáo dục y khoa mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam khởi xướng. Chương trình sáu năm chứa đầy những môn khoa học y học cơ sở và hiện đại. Trong ba năm đầu tiên, chúng tôi đã phải học trên lớp và trong phòng thí nghiệm trước khi tiếp xúc với người bệnh. Theo cách này, chúng tôi đã lớn lên trong những lớp học “một chiều”, nơi chúng tôi lặp lại hàng ngày một chu trình chán ngắt: nghe giáo sư giảng, chép lời thầy vào vở, và học thuộc lòng. Đến khi thi lý thuyết, ai có nhớ nhiều từ hơn sẽ nhận được điểm cao hơn. Còn khi thi thực hành, điểm số của sinh viên lại phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của giảng viên. Đến năm thứ hai, đôi khi tôi cảm thấy cách học này thật căng thẳng và chán nản.

Giáo dục thay đổi

Dẫu có những thời điểm khó khăn, tôi vẫn có được ký ức tốt đẹp về chương trình giáo dục y khoa khi nhà trường có những thay đổi về phương pháp dạy – học. Từ năm thứ ba trở đi, chúng tôi có nhiều thời gian hơn để đọc sách và tự nghiên cứu trên thư viện. Để chuẩn bị cho các kỳ thi, sinh viên không còn phải học thuộc lòng nội dung bài giảng vì có thêm phương án thi trắc nghiệm.  

Sống trong cộng đồng và học tập tại trạm y tế xã giúp chúng tôi hiểu hơn về đời sống vùng nông thôn và y tế tuyến cơ sở. Những đêm trực ở khoa cấp cứu cho chúng tôi những trải nghiệm quý giá về kỹ thuật hồi sức và tính chuyên nghiệp trong y khoa.

Lấy người học làm trung tâm

Sau khi tôi tốt nghiệp, các trường Y ở Việt Nam tiếp tục cải thiện chương trình. Trong hai thập kỷ vừa qua (2001 – 2020), họ đã tiến dần đến chương trình giáo dục lồng ghép, áp dụng nguyên tắc “lấy người học làm trung tâm”, và giới thiệu các phương pháp giáo dục “dựa trên vấn đề” và “dựa trên mô phỏng”.

Sinh viên y khoa bây giờ có thể học lý thuyết trên lớp học và thực hành trong những trung tâm mô phỏng lâm sàng. Mạng lưới cơ sở thực hành đã vươn ra ngoài bệnh viện tới những cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và cộng đồng. Nhu cầu bổ sung bác sĩ cho hệ thống y tế địa phương đã được quan tâm, giúp cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục y khoa cho người dân tộc thiểu số và người dân vùng nông thôn.

Làn gió đổi mới trong giáo dục y khoa

Gần đây, Bộ Y tế Việt Nam đã kêu gọi tiếp tục cải cách giáo dục y khoa dựa trên năng lực và dựa trên hệ thống. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển khác, bao gồm Liên minh Châu Âu và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ, Dự án “Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (Dự án HPET) đã đem đến làn gió đổi mới trong hệ thống giáo dục y khoa của Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 2014, Dự án nhằm cải thiện chất lượng giáo dục y khoa thông qua tăng cường khung chính sách quốc gia và năng lực dạy – học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo cán bộ y tế. Sau sáu năm triển khai dự án, Bộ Y tế đã phát triển được những nền tảng pháp lý và thể chế cho chuyển đổi giáo dục y khoa theo mô hình dựa trên năng lực và dựa trên hệ thống.

table

Tới nay, Dự án HPET đã hỗ trợ cho năm trường đại học Y và 91 cơ sở thực hành lâm sàng. Dự án cũng giúp sinh viên và cán bộ y tế có những trải nghiệp học tập chuyển đổi, và tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho mục tiêu bao phủ y tế toàn dân.

Video clip dưới đây giới thiệu một trường đại học y thụ hưởng dự án HPET đã đổi mới chương trình giáo dục y khoa và cải thiện trải nghiệm học tập cho sinh viên.

 

Nguồn: Lê Minh Sang/Ngân hàng thế giới

https://www.worldbank.org/

Tin khác

Hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ VIII

22/11/2024

Hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ VIII đã diễn ra trong 2 ngày 15-16/11/2024, mang đến một diễn đàn quan trọng cho...