Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
21/07/2023

Sáng ngày 20/7/2023, Đoàn Công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ tại Trường.

Tham dự buổi giám sát, đi cùng Đoàn Công tác còn có sự tham gia của PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS. Phan Thanh Bình – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đ/c Hà Phước Thắng - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía lãnh đạo Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh có GS.TS. Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS. Ngô Quốc Đạt – Phó Hiệu trưởng Phụ trách Nhà trường, PGS.TS. Mai Phương Thảo – Trưởng Phòng Đào tạo Sau đại học cùng lãnh đạo các Khoa, Phòng của Trường.

Tại buổi làm việc, sau khi lắng nghe PGS.TS. Mai Phương Thảo - Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học đại diện Nhà trường báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, các thành viên của Đoàn công tác đã đặt ra một số vấn đề trao đổi đối với Nhà trường nhằm mục đích giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ của đơn vị; từ đó tham khảo, tổng hợp ý kiến, làm cơ sở để xây dựng các nội dung liên quan trình lên Quốc hội để tiếp tục có những thảo luận về giải pháp cũng như định hướng phát triển công tác này trong giáo dục Đại học được hiệu quả, cụ thể về các vấn đề: Nhu cầu tham gia đào tạo tiến sĩ của xã hội đối với các ngành học của Trường là như thế nào; thuận lợi, khó khăn, mặt mạnh, những vướng mắc trong Giáo dục Đào tạo hiện nay: việc thực hiện chính sách, pháp luật, các Thông tư về Giáo dục Đại học có phù hợp không, đúng tinh thần Nghị quyết 29, tinh thần của luật Giáo dục Đại học và các văn bản liên quan, bên cạnh đó là những áp dụng thực tế phù hợp và đầy đủ; công tác quản lý về đào tạo sau đại học của Trường, một số định hướng của Nhà trường trong việc nâng cao chất lượng chương trình đào tạo; Bên cạnh đó là những gợi ý, định hướng triển khai hoạt động đào tạo gắn với các địa phương vùng sâu vùng xa, địa phương khó khăn…

PGS.TS. Mai Phương Thảo đại diện Nhà trường báo cáo
công tác đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

PGS.TS. Phan Thanh Bình - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ quan điểm: “Việc thực hiện chính sách pháp luật, đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng đầu vào, đầu ra trong đào tạo trình độ tiến sĩ cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo Sau đại học tại Trường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu Đại học Y Dược Thành phồ Hồ Chí Minh ở tầm cao mới, không chỉ trong nước mà ở tầm khu vực và quốc tế”.

Sau khi lắng nghe các yêu cầu của Đoàn Công tác, về phía lãnh đạo Nhà trường cũng đã tiến hành thảo luận và có những trao đổi, kiến nghị đối với Đoàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Ngô Quốc Đạt - Phó Hiệu trưởng phụ trách đã giới thiệu sơ nét về lịch sử hình thành và phát triển cũng như những điểm nổi bật trong hoạt động đào tạo của Nhà trường trong thời gian vừa qua.

“Các nội dung liên quan đến những vấn đề của Đoàn Công tác quan tâm, đề xuất, đưa ra giải pháp
góp phần tạo điều kiện tốt cả về điều kiện học tập lẫn cơ chế tài chính cho nghiên cứu sinh
của trường”, PGS.TS. Ngô Quốc Đạt chia sẻ thêm.

Liên quan đến các vấn đề đoàn khảo sát đặt ra, GS.TS. Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng: “Bên cạnh những thuận lợi đã nhìn thấy, công tác đào đạo tiến sĩ của Nhà trường vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là các vướng mắc về cơ chế, chính sách”.

GS.TS. Trần Diệp Tuấn chia sẻ quan điểm về các vấn đề Đoàn Công tác đặt ra
cũng như đề xuất một số kiến nghị

Để công tác đào tạo tiến sĩ của Trường ngày càng đạt hiệu quả cao, GS.TS. Trần Diệp Tuấn cũng đã đưa ra một số kiến nghị với mong muốn đưa công tác đào tạo tiến sĩ của nhà trường hướng tới chuẩn quốc tế.

Đánh giá cao các nội dung Nhà trường đã chuẩn bị cho buổi khảo sát, PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Nhà trường đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị có ý nghĩa, đóng góp trực tiếp vào chính sách chung, từ đó làm chất liệu để đoàn công tác có thể nghiên cứu, xây dựng các nội dung phù hợp”.

PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ được xây dựng phù hợp với thực tiễn của đất nước, không duy ý chí và không cào bằng tất cả các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ. Là một trong những đơn vị đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của Phía Nam và cả nước, việc đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã căn cứ những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế để ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các khoa chuyên môn, đối với nghiên cứu sinh và bộ phận liên quan: Quy định về phản biện độc lập luận án tiến sĩ; Tài liệu hướng dẫn nghiên cứu sinh; Quyết định về chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ; Quy định mức thu chi phí đào tạo sau đại học; Quy định đánh giá kết quả học tập các chương trình đào tạo sau đại học...

Huỳnh Như  - Trí Hòa

 

Tin khác

Hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ VIII

22/11/2024

Hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ VIII đã diễn ra trong 2 ngày 15-16/11/2024, mang đến một diễn đàn quan trọng cho...