(PLO)- TP.HCM vẫn tiếp tục siết chặt giãn cách những ngày tới, giới chuyên gia kỳ vọng dù số ca nhiễm cộng đồng tăng nhưng số ca tử vong có khuynh hướng sẽ giảm hơn trong các tuần tiếp theo, nhờ tỉ lệ vaccine cao. Quan sát tình hình dịch bệnh sau những ngày siết chặt giãn cách vừa qua, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định: Dù số ca F0 vẫn còn cao nhưng dự báo những tuần tới, số ca tử vong có thể giảm hơn và TP cần chuẩn bị nhiều giải pháp đồng bộ để có thể tính chuyện nới lỏng giãn cách.
Không ngạc nhiên, bi quan vì F0 tăng mạnh
. Phóng viên: Một tuần qua, số ca F0 thường xuyên trên 5.000 ca/ngày, trong đó tỉ lệ nhiễm trên mẫu xét nghiệm là trên 3,5%, tỉ lệ ca nhiễm cộng đồng có ngày chiếm đến 90,7%. Ông đánh giá như thế nào về diễn biến dịch trong tuần qua?
+ PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Tôi không ngạc nhiên về những con số nói trên. Nó cho thấy dịch bệnh đã lây lan rộng ra cộng đồng. Tôi cũng không quá bi quan về những con số này. Chúng ta đã có thể tiên lượng trước khi chúng ta tiến hành xét nghiệm ở nhiều vùng đỏ, vùng cam. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm chủng ở TP.HCM đối với người trên 18 tuổi, nhất là ở nhóm dễ bị tổn thương (người già, có bệnh lý nền), đã ở mức khá cao (khoảng 80%). Điều này dự báo số lượng người nhiễm bệnh trở nặng và tử vong trong những tuần sắp tới đây có thể sẽ giảm xuống hơn hiện nay, ngay cả khi số ca F0 vẫn có thể còn cao.
. Theo quan sát của ông thì TP đã và đang triển khai công tác y tế như thế nào để đảm bảo chữa trị cho số lượng F0 gia tăng đột biến như vậy?
+ Tôi nhận thấy TP đang triển khai đồng bộ các giải pháp hợp lý và càng lúc càng chặt chẽ hơn. Trước đây, chúng ta yêu cầu cách ly tất cả F0 và đưa vào bệnh viện (BV) thì thời gian qua đã hướng dẫn các F0 trẻ, khỏe, không có bệnh nền và gia đình có điều kiện tự cách ly có thể điều trị tại nhà. Việc này đã giúp giảm tải cho các cơ sở y tế điều trị.
TP cũng đã xây dựng các đội phản ứng nhanh và các trạm cung cấp ôxy kịp thời cho F0 cộng đồng; giao trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân cho các cơ sở y tế tuyến dưới. TP cũng tăng cường các BV dã chiến để đáp ứng số lượng F0 gia tăng trong cộng đồng. Ngành y tế cũng có các hướng dẫn cụ thể và hoàn thiện hơn về thuốc uống và cách chăm sóc, điều trị đối với F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ; F0 thể vừa và nặng. Tuy nhiên, số giường bệnh có các bình thở ôxy vẫn còn hơi thấp so với mong đợi của ngành y tế.
TP.HCM đang đi đúng hướng
. Về tổng thể có thể thấy trong tuần qua, TP.HCM triển khai mô hình theo kiểu “3 trong 1”, vừa xét nghiệm phát hiện F0 để điều trị, vừa tiêm vaccine cho người không bị nhiễm và vừa cung cấp túi thuốc, túi an sinh. Ông đánh giá việc thực hiện mô hình này thế nào?
+ Chúng ta đã có hướng đi đúng trong thời gian qua nhưng với tôi, chỉ số quan trọng nhất trong việc chống dịch chính là số người trở nặng phải nhập viện và tử vong. Để giảm nhóm này xuống thấp, chúng ta chỉ có cách là tiêm phủ vaccine thật rộng và hiệu quả. Điều này các quận, huyện đã làm rất tốt thời gian qua và cần tiếp tục đẩy mạnh những ngày tới, nhất là tận dụng những ngày TP siết chặt giãn cách xã hội như hiện nay. Giải pháp này quan trọng hàng đầu và có tính chất bền vững nhất.
Việc cung cấp các biện pháp theo dõi, chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân F0 mới được phát hiện cũng rất quan trọng. Chúng ta phải điều trị kịp thời cho bệnh nhân ngay khi họ bắt đầu có triệu chứng suy hô hấp; cho bệnh nhân từ thể vừa sang thể nặng, đảm bảo họ được cung cấp ôxy. Ngoài hai giải pháp quan trọng nói trên, chúng ta cũng đã cung cấp các túi y tế, túi an sinh. Điều này cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Điều kiện nào để nới lỏng giãn cách?
. Để có thể nới lỏng giãn cách thì hệ thống y tế phải đảm bảo những điều kiện như thế nào?
+ Tôi nghĩ việc nới lỏng giãn cách sẽ có nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm của tôi là khi tình hình dịch bệnh vẫn còn rất nghiêm trọng thì Nhà nước buộc phải siết chặt giãn cách để giảm thiệt hại về người và bảo vệ hệ thống y tế. Để nới lỏng thì buộc phải dùng đến các công cụ chống dịch, quan trọng nhất là vaccine như tôi đã nói.
Tiêm vaccine có thể giúp người bệnh giảm đến khoảng 90% trở lên khả năng trở nặng và tử vong. Nếu Nhà nước tạo điều kiện cho mọi người dân và được 100% người dân ủng hộ tiêm chủng thì quá tuyệt vời. Nếu con số ấy ở mức 90% thì chúng ta vẫn có thể mở cửa trở lại. 10% còn lại nếu không tiêm thì có thể gặp các rủi ro nhiễm và tử vong nhưng khó ảnh hưởng đến phần đông còn lại, hệ thống y tế có thể kiểm soát được.
Ngoài ra, để “bình thường mới” thì phải giảm số ca tử vong trung bình trong ngày dưới 70 để hệ thống y tế có thể kịp thời ứng phó khi số ca F0 tăng nhanh. Bởi vì năng lực điều trị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị với cơ cấu ca nhiễm như hiện tại. Số giường bệnh hồi sức chữa trị COVID-19 cần phải tăng gấp đôi so với hiện nay. Các BV ở tầng hai như BV dã chiến thu dung hay các BV tương tự thì hiện đã đủ nhưng còn thiếu giường bệnh được cung cấp ôxy. Làm tốt ở tầng 1 và tầng 2, theo tôi ước tính thì có thể chăm sóc cho 95% các ca bệnh. Nếu mở rộng thêm các BV tầng 3 nữa thì rất tốt. Ngoài ra, phải đảm bảo nguồn y bác sĩ đầy đủ.
Cuối cùng, khi Nhà nước đã đảm bảo tiêm vaccine và hệ thống y tế thì vẫn cần trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các biện pháp y tế cá nhân (như hạn chế tụ tập, đeo khẩu trang, sát khuẩn…). Điều này cũng rất quan trọng để giảm lây lan khi xuất hiện virus.
. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của BV dã chiến hiện nay, cũng như vai trò của hệ thống y tế cấp cơ sở của TP.HCM để người dân có thể thích ứng với SARS-CoV-2?
+ BV dã chiến bản chất là các khu điều trị không chính quy, tận dụng các tòa nhà, sân vận động… để làm, vì vậy không thể dùng lâu bền. Trong tương lai, điều quan trọng là phải dự báo được số ca nhiễm trong cộng đồng ở mức độ nào để có các phương án xây dựng hệ thống BV, y tế.
Cá nhân tôi đánh giá phần lớn người Việt Nam rất có ý thức trong việc tiêm chủng, đeo khẩu trang và thực hiện 5K, điều đó dự báo chúng ta sẽ không cần quá nhiều BV chữa trị COVID-19 trong tương lai. Chúng ta có thể thu hẹp số giường bệnh chữa trị COVID-19 xuống mức khoảng 20%-25% so với tổng số giường hiện nay. Tuy nhiên, đây chỉ có thể đúng với biến chủng Delta, cho nên phải tính toán nếu có biến chủng nguy hiểm hơn.
. Xin cám ơn ông.
Khuyến cáo dành cho người dân TP.HCM PGS-TS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo với những người không may bị nhiễm nhưng đã tiêm vaccine trước đó, hãy an tâm vì vaccine bảo vệ họ 90%, thậm chí hơn, trước nguy cơ trở nặng và nhập viện. Nếu không triệu chứng hay thể nhẹ thì an tâm điều trị ở nhà, ăn uống đầy đủ đảm bảo sức khỏe, tuân thủ 5K để không lây cho người khác. Nhà nước cũng đang thí điểm áp dụng thuốc Molnupiravir kháng virus, các F0 có thể sử dụng theo hướng dẫn của ngành y tế để giảm nguy cơ chuyển nặng. Ngoài ra, Sở Y tế TP cũng đã có hướng dẫn các loại thuốc chữa triệu chứng (ví dụ hạ sốt, giảm đau). Nếu thấy triệu chứng trở nặng thì liên hệ các cơ sở y tế, các đội phản ứng nhanh để được hướng dẫn điều trị và cấp cứu kịp thời. Với những người chưa nhiễm thì cần tuân thủ các quy định giãn cách. Nên tham gia xét nghiệm, tiêm chủng. Người dân cần ăn uống đầy đủ, nâng cao thể chất; hoạt động tinh thần đa dạng và hạn chế đọc tin tức tiêu cực trên mạng xã hội sinh ra căng thẳng. Nhiều biện pháp kéo giảm tử vong Tại TP.HCM, xu hướng tử vong đang giảm do hiệu quả bước đầu triển khai tích cực các biện pháp như: Triển khai gói điều trị F0 tại nhà, trạm y tế lưu động; hỗ trợ, hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn từ trung tâm hồi sức tầng 3 xuống các BV quận/huyện và BV dã chiến; vận hành các trung tâm hồi sức tầng 3. Bộ trưởng NGUYỄN THANH LONG phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào sáng 29-8 |
Nguồn: Báo Pháp luật Online
Hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ VIII đã diễn ra trong 2 ngày 15-16/11/2024, mang đến một diễn đàn quan trọng cho...