Dự án đổi mới giáo dục y khoa của Đại học Y Dược TP.HCM theo xu hướng của giáo dục y khoa hiện đại trên thế giới được khởi động từ năm 2010. Dự án dài hạn nhằm đổi mới chương trình đào tạo y khoa 6 năm dựa trên chuẩn năng lực và tích hợp.
Chương trình được chuẩn bị và xây dựng công phu với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới, và sự cố vấn kỹ thuật từ các chuyên gia của Đại học Harvard (Mỹ), Đại học Geneva (Thụy Sĩ) và Đại học Texas Tech University Health Science Center El Paso (Mỹ). Chương trình đào tạo đổi mới toàn diện đã bắt đầu đưa vào giảng dạy từ năm 2016 và khóa bác sĩ đầu tiên được hưởng thụ chương trình đào tạo đổi mới sẽ tốt nghiệp cuối năm nay 2022.
Bài báo tổng kết quá trình xây dựng, phát triển và triển khai dự án đổi mới giáo dục y khoa của Đại học Y Dược TP.HCM đã được chấp nhận công bố trên tạp chí y khoa quan trọng The Lancet Regional Health Western Pacific với chỉ số ảnh hưởng cao (Impact Factor 8.559).
Tạp chí The Lancet Regional Health Western Pacific chuyên đăng tải những thành tựu và đổi mới về y khoa quan trọng trong khu vực Tây Thái Bình Dương, là khu vực đông dân cư và phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện nay.
Theo PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan - Trưởng khoa Y Đại học Y Dược TP.HCM - việc công bố công trình đổi mới giáo dục y khoa đầu tiên của Việt Nam trên tạp chí y khoa quan trọng của The Lancet thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng y khoa thế giới và khu vực trong nỗ lực cải cách đào tạo y khoa, nâng cao năng lực nhân viên y tế, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân ở một nước thu nhập trung bình như Việt Nam.
Đổi mới toàn diện giáo dục y khoa là một nền tảng quan trọng để cải thiện chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo cơ sở hạ tầng cho phát triển lâu dài về kinh tế và xã hội.
"Đại học Y Dược TP.HCM là nơi đầu tiên thực hiện thành công đổi mới toàn diện chương trình đào tạo theo xu hướng giáo dục y khoa hiện đại trên thế giới. Kinh nghiệm triển khai đổi mới giáo dục y khoa của trường cũng sẽ được chia sẻ và chuyển giao cho các trường đại học y khoa cả nước trong thời gian tới", bà Ngọc Lan cho biết thêm.
Chương trình đào tạo bác sĩ y khoa đổi mới ra sao?
Theo GS.TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TP.HCM, với chương trình đào tạo y khoa đổi mới, tất cả nội dung của các mô đun, các môn học đều được xây dựng dựa trên chuẩn năng lực, và mục tiêu học tập cụ thể, rõ ràng.
Sư phân bố các mô đun trong các năm học sẽ theo một trình tự hợp lý, từ tế bào đến phân tử, từ phân tử đến cơ quan và từ cơ quan đến hệ thống, từ tiền lâm sàng đến lâm sàng giúp cho sinh viên vận dụng tốt những kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức y học cơ sở vào trong khoa học lâm sàng, trong diễn giải các dấu hiệu và triệu chứng, biện luận chẩn đoán và lựa chọn điều trị.
Cấu trúc chương trình mới đảm bảo được tính tích hợp theo chiều ngang giữa các mô đun và môn học trong cùng một năm và tích hợp theo chiều dọc giữa các năm học với nhau. Điều này giúp sinh viên rèn luyện khả năng tư duy tích hợp để có thể giải quyết các vấn đề thực tế trên lâm sàng.
Việc đưa các mô đun học thuật vào chương trình giảng dạy sẽ giúp sinh viên có cơ hội tham gia vào các dự án nhỏ về y học, trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học và phát huy tính năng động sáng tạo của sinh viên.
Thực hành lâm sàng sớm và bao gồm thực hành tại bệnh viện và cơ sở y tế cộng đồng cho phép sinh viên có những trải nghiệm đa dạng và phong phú, tiếp cận với chăm sóc ban đầu tại cộng đồng và hệ thống y tế cơ sở. Các học phần tự chọn cho phép sinh viên theo đuổi những sở thích và đam mê riêng, và chuẩn bị cho sự lựa chọn chuyên ngành trong tương lai.
Chương trình mới sẽ tập trung nhiều hơn nữa vào việc giảng dạy y đức và tính chuyên nghiệp cho sinh viên, giúp sinh viên có thái độ tốt với người bệnh, đồng nghiệp, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong hành nghề y sau này.
Khi học chương trình đổi mới sinh viên sẽ được lượng giá tích hợp, toàn diện theo chuẩn năng lực và mục tiêu học tập bằng những công cụ lượng giá thích hợp. Để đạt được chuẩn này, sinh viên sẽ được giảng dạy theo phương pháp tích cực, lấy sinh viên là trung tâm như lớp học đảo chiều, học tập và thảo luận theo nhóm, sử dụng các câu hỏi clicker trong giảng dạy, thực hành trong skill lab, trong phòng thí nghiệm, trên bệnh nhân chuẩn và bệnh nhân thật.
"Chương trình đổi mới nhằm đào tạo ra một thế hệ bác sĩ mới, năng động, chuyên nghiệp và hội nhập. Sinh viên sẽ làm quen với cách học e-learning, dựa trên y học chứng cứ, từ đó trang bị kỹ năng tự học tập suốt đời, bao gồm tính chủ động trong học tập, kỹ năng làm việc nhóm và tư duy có tính phê phán", ông Tuấn nhấn mạnh.
Nguồn: Tuổi trẻ online
Hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ VIII đã diễn ra trong 2 ngày 15-16/11/2024, mang đến một diễn đàn quan trọng cho...