Ngày 29/4/2022 vừa qua, Đoàn Thanh niên Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cùng với Quỹ Vì chất lượng cuộc sống, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, sinh viên TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bến Tre và các tập đoàn tài trợ ký kết thực hiện đề án "Nâng cao tầm vóc người Việt" giai đoạn 2022 - 2026.
Đề án hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện, nâng chiều cao cho 1.000 học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre với tổng kinh phí là 30 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Theo ban quản lý đề án, từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm 3cm, thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10 cm và thấp hơn chiều cao trung bình của đa số các nước trong khu vực châu Á. Phát triển thể lực, tầm vóc con người là vấn đề rất lớn, cần thời gian dài và có sự kết hợp đồng bộ của nhiều giải pháp. Theo kinh nghiệm đã được tổng kết ở nhiều quốc gia, những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển tầm vóc và thể lực con người thì dinh dưỡng chiếm 31%; thể dục, thể thao chiếm 20%. Như vậy, có thể nói dinh dưỡng và thể dục, thể thao có vai trò chính trong phát triển thể lực và tầm vóc con người.
Cũng theo ban quản lý đề án, việc nâng cao dinh dưỡng, thể lực, tầm vóc cho trẻ em ngay trên ghế nhà trường rất quan trọng, bởi đây là giai đoạn quyết định sự phát triển toàn diện của con người bao gồm cả thể lực, tầm vóc, trí tuệ, tâm hồn. Có nghĩa là phát triển một cách toàn diện của con người là ở giai đoạn vàng này. Bên cạnh đó, nếu làm tốt việc phát triển thể lực, tầm vóc, quan tâm thật tốt dinh dưỡng ở giai đoạn này thì chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên.
Mục tiêu chung của đề án là đánh giá thực trạng và triển khai các mô hình can thiệp về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của học sinh ở các trường THPT, THCS tại Bến Tre và TP.HCM.
Theo đó, đề án sẽ thực hiện việc đánh giá thực trạng tầm vóc và dinh dưỡng của học sinh về cân nặng, chiều cao, thể lực, công thức máu tổng quát, thị lực và sức khỏe sinh sản. Đánh giá thực trạng sức khỏe tinh thần về rối loạn lo âu trầm cảm và hạnh phúc ở học sinh, trong đó sẽ đánh giá tỉ lệ trầm cảm, lo âu, stress bằng thang đo DAS21; đánh giá cảm nhận hạnh phúc bằng thang đo Well-being.
Ngoài ra đề án sẽ triển khai các mô hình và đồng thời đánh giá hiệu quả can thiệp nâng cao tầm vóc và dinh dưỡng cho học sinh, bằng cách xây dựng dựng hệ thống sổ tay, cẩm nang, video/clip về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; xây dựng kho bài giảng, hệ thống tin bài nhằm phát triển trên các trang thông tin truyền thông và mạng xã hội (website, Facebook, Zalo…); tổ chức các hoạt động, sinh hoạt ngoại khoá. Xây dựng phong trào phát triển thể lực, rèn luyện sức khoẻ thường xuyên; thay đổi về nhận thức của bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, sử dụng sữa bổ sung...; triển khai ứng dụng Telehealth, phần mềm quản lý thông tin vào các hoạt động; tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh, đảm bảo dinh dưỡng, thể chất.
Cũng trong buổi ký kết, Quỹ Vì chất lượng cuộc sống do Tập đoàn Đầu tư tài chính Green+ và các đối tác chính thức ra mắt với mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận, hướng đến hỗ trợ các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi thiên tai, các đối tượng yếu thế trong xã hội, những người mắc bệnh hiểm nghèo. Trên cơ sở đóng góp hoàn toàn tự nguyện, quỹ hoạt động với 8 đề án: khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo; cung cấp vắc xin; trồng cây xanh và thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam; khám và điều trị bệnh cho 5 triệu người dân; phát động phong trào toàn dân luyện tập thể dục theo gương Bác Hồ; nâng cao thể trạng người Việt; số hóa ngành y tế, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế; xây dựng nhà ở xanh cho công nhân, người nghèo... |
Nguồn: Báo Thanh Niên
Hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc lần thứ VIII đã diễn ra trong 2 ngày 15-16/11/2024, mang đến một diễn đàn quan trọng cho...