Nhóm sinh viên ngành y đã nghiên cứu và chế tạo thành công gậy đa năng không chỉ dùng để phát hiện vật cản, hướng dẫn đường đi, liên lạc cho người thân mà đặc biệt còn kiểm tra được sức khỏe trong quá trình di chuyển.
Đó là sản phẩm gậy đa năng của nhóm sinh viên gồm: Phạm Xuân Thế, Lê Kiều Nhi, Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Phi Ngọc Thảo (cùng Trường ĐH Y Dược TP.HCM) và Trần Cao Huy (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM).
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào y khoa
Phạm Xuân Thế (trưởng nhóm) cho biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào y khoa để chăm sóc sức khỏe là hướng đi mới hiện nay. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một kết nối rõ ràng giữa bên đưa ra nhu cầu là ngành y với bên nghiên cứu và cung cấp thiết bị kỹ thuật.
“Nhóm đã suy nghĩ về một sản phẩm kỹ thuật có thể mang lại lợi ích cho y khoa và chăm sóc sức khỏe. Đây có thể coi là những viên gạch đầu tiên trong quá trình kết nối trên”, Thế cho biết.
Lê Kiều Nhi (thành viên nhóm) cho hay: Theo khảo sát của nhóm, hiện nay ở Việt Nam chưa có một sản phẩm gậy đa năng chính thức nào được tung ra thị trường. Đa số các sản phẩm được nhắc đến đều vẫn còn nghiên cứu và chưa có thông tin rõ ràng. Do đó, nhóm đã tập trung nghiên cứu về lĩnh vực này với mong muốn có thể mang đến một sản phẩm nâng cao được chất lượng cuộc sống của người khiếm thị cũng như người cao tuổi.
“Tiếp xúc với người khiếm thị và người lớn tuổi nhiều, tụi mình nhận thấy được những khó khăn trong cuộc sống của họ, đặc biệt là quá trình đi lại. Nhóm đã suy nghĩ về một số giải pháp giúp họ có cuộc sống tốt hơn”, Nhi bày tỏ.
Để làm được sản phẩm này, các thành viên nhóm liên tục đặt ra các câu hỏi: “Làm sao để giúp người khiếm thị đi lại dễ dàng hơn?”, “Làm sao để người khiếm thị được hỗ trợ tốt nhất trong quá trình di chuyển của họ?”, “Có cách nào giúp người khiếm thị tự do đi lại mà không cần người khác đi cùng không?”, “Làm sao để kiểm tra theo dõi tình trạng sức khỏe của người khiếm thị?”, “Làm sao để người thân của họ có thể quan sát và theo dõi quá trình di chuyển của họ để đảm bảo được an toàn tối đa nhất?”…
Thế là nhóm đi tìm giải pháp để trả lời những câu hỏi này, sau hơn nửa năm thì sản phẩm gậy đa năng của nhóm đã ra đời.
Nhiều tính năng hữu ích
Nguyễn Đình Nguyên cho biết đối với một người bình thường, cả năm giác quan cùng nhau phối hợp và thu thập thông tin gửi về não nhưng trong đó thị giác đóng vai trò quan trọng nhất. Hơn 80% lượng thông tin mà não tiếp nhận là từ mắt. Còn đối với người khiếm thị thì thính giác là phát triển nhất và lượng thông tin thu lại từ thính giác đóng vai trò quan trọng. Nhóm đã tập trung nghiên cứu phát triển các chức năng hỗ trợ người khiếm thị dựa vào thính giác của họ. Chức năng mà chiếc gậy đa năng này tích hợp được đầu tiên là phát hiện vật cản.
“Trên đường di chuyển, người khiếm thị thường gặp phải các vật cản có thể gây nguy hiểm cho họ, họ gặp khó trong việc tránh né. Gậy sẽ phát hiện vật cản trong bán kính 2 m rồi thông báo bằng âm thanh để người sử dụng tránh”, Nguyên chia sẻ.
Chức năng tiếp theo mà nhóm tận dụng tối đa chuyên môn ngành học là kiểm tra sức khỏe. Phạm Xuân Thế cho biết đối với người khiếm thị, thể trạng thường rất yếu trong quá trình di chuyển nên dễ xảy ra các vấn đề nguy hiểm về sức khỏe. Do đó, cần phải theo dõi tình trạng sức khỏe của họ liên tục để đảm bảo an toàn.
“Gậy sẽ tiến hành đo và kiểm tra nhịp tim, thân nhiệt của người sử dụng... Nếu có dấu hiệu bất thường, gậy sẽ gửi thông báo đến số điện thoại của người thân. Đồng thời thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe của người sử dụng”, Thế nói.
Khi người thân cần thông tin, chỉ cần soạn tin nhắn theo cú pháp *KTSK# gửi đến số điện thoại đã tích hợp trước. Lúc đó, thiết bị tự động gửi tin nhắn phản hồi về thông tin nhịp tim của người sử dụng, đồng thời đưa ra tín hiệu cảnh báo người sử dụng biết là hệ thống đang bị vượt ngưỡng cho phép, để người sử dụng biết tình trạng sức khỏe của bản thân và đến các cơ sở y tế để kiểm tra.
Chức năng thứ 3 là gậy được gắn bộ định vị GPS giúp định vị vị trí của người sử dụng để trong trường hợp gặp các sự cố nguy hiểm khi xảy ra thì người thân có thể tìm và di chuyển đến đó một cách nhanh nhất.
“Ngoài 3 chức năng trên, gậy có tích hợp bộ phận liên lạc giúp người sử dụng có thể thực hiện nghe gọi với các số điện thoại được lưu sẵn”, Trần Cao Huy chia sẻ.
“Khi sử dụng sản phẩm, những người khiếm thị sẽ không cần nhờ ai dắt đi bộ cả. Tình hình sức khỏe thể trạng của họ sẽ luôn được theo dõi và kiểm tra. Người thân của họ sẽ luôn nắm được quá trình di chuyển và có thể liên lạc với họ một cách dễ dàng”, Nguyễn Phi Ngọc Thảo cho hay.
Nữ Vương - Báo Thanh niên